Đối tượng mà chúng ta cần vạch trần chính là một hệ thống

Spotlight đã chứng tỏ là bộ phim về nghề làm báo hay nhất trong những năm trở lại đây, xứng đáng với giải “Phim hay nhất” và “Kịch bản hay nhất” của Giải thưởng thường niên lần thứ 50 của Hiệp hội (NSFC). Đơn giản bởi vì Spotlight đã đứng về phía sự thật mà người đọc có quyền được biết.
spotlight-bia
Mọi thứ có thể mất đi, duy chỉ có sự thật là sẽ tồn tại mãi mãi.

Spotlight của diễn viên, đạo diễn Tom McCarthy chính là tác phẩm xuất sắc của năm 2015, và khi bộ phim có 6 đề cử tất cả cho Oscar 2016, tôi nghĩ rằng Spotlight hoàn toàn xứng đáng với giải Phim hay nhất, Nam – Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Mark Ruffalo và Rachel McAdam, và khá tiếc là Micheal Keaton không có trong danh sách Nam chính xuất sắc. Nói như thế để các bạn có thể thấy rằng, Spotlight là một phim quan trọng đối với tôi, và hơn hết cả đó là một bài học về nhận thức nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi sẽ chìm lắp chúng ta vào những lời nói dối bọc đường. Và nỗi sợ hãi sẽ biến chúng ta thành nạn nhân của những tổ chức quyền thế và nắm giữ vị trí cao trong xã hội.

Spotlight là một tác phẩm điện ảnh hội tụ hai yếu tố lớn: đó là nghệ thuật và đạo đức.

Bộ phim không chỉ tôn vinh đội ngũ Spotlight của tờ The Boston Globe đã vạch trần sự thật về nạn lạm dụng tình dục trẻ dưới vị thành niên của những vị Cha sứ của Giáo hội trong thị trấn, được bảo vệ bởi lớp áo tu sĩ bên ngoài và quyền lực của Công giáo, mà bộ phim còn đánh vào tâm lý của những người làm báo, đó là cách mà họ nhận thức về vấn đề, và sẽ nguy hại thế nào nếu sự thật bị lãng quên, hay không có ai chịu trách nhiệm với nó?

Vào một đêm mùa đông năm 1976 tại trạm cảnh sát Boston, Cha John Geoghan đang thực hiện sứ mạng của mình, an ủi và trấn an tâm lý các nạn nhân, sự có mặt và uy quyền của Giáo hội trong mọi ngóc ngách của cuộc sống thị trấn Boston đã được khắc họa từ đầu, 27 năm sau, vào tháng 7/2001, những hậu quả khủng khiếp của vụ việc đã được đưa ra ngoài ánh sáng, với cáo buộc rằng Geoghan và hơn 80 linh mục khác đã lạm dụng tình dục rất nhiều bé nam trong nhiều năm liền lúc đang tại chức. Trong Spotlight, hầu như không hề có nhân vật và chi tiết thừa, người xem sẽ thấy một nhóm phóng viên lúi húi tìm kiếm tư liệu trong thư viện nhà thờ, ghi chú trong im lặng, phỏng vấn nhân vật trong sự bình tĩnh, để rồi sau đó trở thành một chuỗi bài phóng sự hấp dẫn. Câu chuyện dựa trên sự kiện có thật đã tạo nên tiếng vang và giải Pulitzer Báo chí 2003 cho tạp chí The Boston Globe vào thời điểm cuối 2001 và đầu năm 2002. Team Spotlight bao gồm biên tập viên Robby (Keaton) và ba phóng viên, gồm Micheal Rezendes (Mark Ruffalo), Sacha Pfeiffer (Rachel McAdams), và Matty Carroll (Brian d’Arcy James). Sau khi Tổng biên tập tờ báo mới nhậm chức, Marty Baron (Liev Schreiber) đã yêu cầu đội Spotlight cần điều tra lật lại vụ án về Cha xứ John J. Geoghan, bị cáo buộc đã lạm dụng tình dục nhiều trẻ em năm trước. Trong quá trình điều tra, họ phát hiện ra số lượng các vị linh mục đáng sợ kia nhiều hơn con số có thể tưởng tượng được. Việc lật lại một vụ án bị bỏ qua và đặc biệt là đụng chạm đến Giáo hội là thử thách rất lớn. Nhưng Baron, một người biên tập viên người Do thái đến từ New York và Miami vẫn quả quyết với sự điềm tĩnh cần thiết: Đây là một đề tài rất quan trọng cho một tờ báo địa phương. Hơn cả, bằng góc nhìn bao quát rộng lớn, bằng trí óc sâu sắc của một biên tập viên có nghề, Baron đã đề nghị đội Spotlight đừng chỉ tập trung vào danh sách các Cha xứ phạm tội trong thị trấn, bởi vì “Đối tượng mà chúng ta cần vạch trần không phải là con người, mà là cả một hệ thống”.

Cái hệ thống mà Baron đề cập ở đây có thể hiểu là một thế giới ngầm đã âm ỉ tồn tại trong Giáo hội từ xưa đến nay. Họ hiểu rằng, việc xâm hại tình dục trẻ em hoặc đồng tính đang ngầm được chấp nhận. Nhiều nạn nhân đã tự tử hoặc phải vào nhà thương điên. Tất cả các tài liệu liên quan đều bị Giáo hội niêm phong tuyệt đối. Thậm chí trong bộ phim tài liệu Mea Maxima Culpa: Silence in the House of God (2012) của đạo diễn Alex Gibney, có chi tiết nói rằng: Từ thế kỷ thứ 4, Vatican cũng đã bí mật che giấu những hồ sơ về lạm dụng trẻ em của các linh mục, cho đến sau này, khi Công giáo có khả năng gây áp lực và ảnh hưởng về thể chế pháp lý, chính trị và báo chí của thành phố. Nhưng bởi đây là Boston. “Là nơi sẽ không gây rắc rối cho Giáo hội Công giáo La Mã”, do đó: “How do you say no to God?”

How do you say No to God?

Bản chất của bộ phim chính là để trả lời cho câu hỏi trên, theo một lối tường thuật tinh giản để tập trung vào cách giải quyết vấn đề, đã chứng minh về sự xung đột sâu sắc trong tín ngưỡng, niềm tin của đại bộ phận người Mỹ suốt một thời kỳ, và đỉnh điểm chính là vụ khủng bố vào ngày 11/09/2001 lịch sử. Đó là thời điểm mà “Giáo hội thậm chí còn quan trọng hơn trong những lúc như thế này“, như lời của một thành viên của Hội thánh nói với Robby. Hay thậm chí, khi Đức Hồng Y Law đề nghị gặp Tổng biên tập mới nhậm chức Baron để yêu cầu về việc tờ The Boston Globe nên làm việc với Giáo hội Công giáo (!) Đây rõ ràng là một lời đe dọa nhiều hơn là một lời đề nghị. Điểm xung đột của bộ phim chạm tới đỉnh điểm chính là khi để mặc cho chính người đi tìm sự thật trở thành một trong các nạn nhân, nạn nhân của đức tin. Cấp độ nguy hiểm của vụ án nằm ở đây, tính chất của nó không chỉ là lạm dụng thể xác và tinh thần, mà còn là lạm dụng về đức tin. Như câu chuyện của Sacha có bà ngoại một tuần đi nhà thờ đến tận ba lần, làm sao mà bà của cô có thể đối diện với sự thật mà cô sắp sửa sẽ cho lên báo? Hay như Matt, anh phải vừa cùng đồng nghiệp điều tra sự thật, vừa nơm nớp lo sợ những đứa trẻ ở nhà khi biết rằng thủ phạm bị nghi ngờ đang là hàng xóm gần nhà mình. Còn Mike, dù không còn đi nhà thờ nhưng anh vẫn luôn nghĩ rằng một ngày nào đó anh sẽ quay về nơi đó, nhưng giờ thì anh đau xót khi nhìn thấy đám trẻ con hát O Holy night trong đêm Giáng sinh, Robby thì bị những đồng nghiệp và các thành viên hội Công giáo gây áp lực… Làm sao để họ thoát ra khỏi những hàng rào trói buộc đó để tiếp tục công việc của mình? Câu trả lời duy nhất nằm ở lời thề của người làm báo.

Trên thực tế, có một tỷ lệ phần trăm khá cao những người Công giáo Ireland là độc giả của tờ The Boston Globe, nên sự xuất hiện của một người Mỹ gốc Do thái là chuyện không có gì khó hiểu. Lý do mà Baron có mặt ở đây là để cứng rắn hơn với Tổng Giáo hội thành phố, và đem đến một luồng gió mới cho tờ báo, đi theo sự thật và chống lại những bất công. Và rõ ràng, để thực hiện tốt thì “Một tờ báo tốt nhất là nên hoạt động độc lập”.

Những thành viên của Spotlight, với nghiệp vụ và từ rung cảm cá nhân dành cho các nạn nhân phải nỗ lực trong từng thời khắc để chứng minh về một thể chế mà người ta tôn thờ không hẳn đó là thánh đường, làm thể nào để đánh thức những bà mẹ khi nhìn thấy một linh mục đến thăm nhà mình đều mang bánh cookie ra mời với lòng cảm kích vô hạn. Xuyên suốt bộ phim, một bầu không khí lạnh lẽo, ảm đạm, xám đục rất “Boston”, những ngọn tháp nhà thờ nhô hẳn lên bầu trời chính là linh hồn của bộ phim. Không có cảnh ẩu đả, không có cảnh sát uy hiếp nhóm phóng viên, cũng không có cảnh lạm dụng tình dục của các Cha xứ với những nạn nhân, không có bạo lực, không có máu,… chỉ có những câu chuyện được kể lại. McCarthy không cần lên gân nỗi bi kịch hay sự thống thiết ngạc nhiên của những người được nghe thấy, nhưng khán giả họ đều tự nhận ra được tính cấp bách của vấn đề, thông qua những đoạn đối thoại – Thoại phim chính là một sức nặng trọng tâm trong Spotlight. Bằng thủ thuật liên kết, những cái tên như Geoghan, Shanley hay Talbot đã gợi lên những ký ức xấu và là cơn ác mộng cho tất cả những ai sống trong thành phố, những nạn nhân sống lầm lũi trong cơn ác mộng liên hoàn chưa bao giờ nguôi. Spotlight vào cuộc không như những anh hùng thập tự chinh giải cứu nạn nhân, mà họ chỉ là đang làm đúng công việc của mình. Họ gõ cửa nhà nạn nhân lẫn các linh mục đã thôi việc, nghiền ngẫm thông qua tài liệu lưu trữ, ngồi trong văn phòng thâu đêm, kiên nhẫn thuyết phục luật sư, cố gắng để có được xác minh từ những người xung quanh có liên quan để manh mối được mở rộng hơn. Nhưng không phải lúc nào nhà báo cũng làm đúng vai trò của mình, trong suốt 34 năm xảy ra những vụ án ấu dâm trong nhà thờ mà không một ai dám lên tiếng, lẽ ra nhóm phóng viên đã có thể đưa sự thật lên báo, nhưng họ đã bỏ quên điều đó… Đó là một tai nạn nghề nghiệp mà trong Spotlight cũng đã phản ánh. Chân dung người làm báo trong Spotlight không hề tô vẽ quá mức, đó là điều khiến tôi càng thêm yêu quý bộ phim này, họ không phải là thánh thần, họ cũng là con người, cũng có yếu đuối và sai sót.

Như rất nhiều bộ phim được rút ra từ sự kiện thực tế gây tranh cãi, và huống hồ đây là một vụ án nhạy cảm có liên quan đến tôn giáo, nên cách mà McCarthy và Josh Singer (đồng biên kịch) chỉ đưa ra một câu chuyện dựa trên quan điểm của người làm báo, họ phải đảm bảo rằng những gì mà người xem chứng kiến đều là thông qua nghiệp vụ, góc nhìn, cách xử lý tin tức của phóng viên Spotlight của tờ The Boston Globe. Mặt khác, sau khi nhóm Spotlight đưa lên báo chuỗi bài gây rúng động này, nhiều thành phố bắt đầu lên tiếng về những vụ việc tương tự, sự thật dần dần trở nên khó tưởng và khủng khiếp hơn, và người đọc họ cần có những thông tin xác đáng và cụ thể để tự bảo vệ mình. Thông tin là một vũ khí vô hình để con người điều khiển thế giới, nó có thể giết chết hay cứu vớt một số phận. Thông tin từ những năm 2000 cũng bắt đầu được lan tỏa rộng rãi và đa chiều hơn, nhờ sự có mặt của Internet, nhờ đó mà con người bắt đầu bước vào kỷ nguyên của thông tin, là thời kỳ mà không có sự thật nào bị che giấu hoàn toàn cả. Cũng đi theo sự phát triển đó mà báo chí, với những chuỗi bài đã phản ánh được những khuất tất mà ánh sáng chưa thể chạm vào được, đã phần nào đưa người đọc ra khỏi cơn mê muội lâu nay của những quyền lực mơ hồ, luôn tìm cách kiểm soát người dân nhằm trục lợi cho bản thân/ tổ chức.

Spotlight đã chứng tỏ là bộ phim về nghề làm báo hay nhất trong những năm trở lại đây, xứng đáng với giải “Phim hay nhất” và “Kịch bản hay nhất” của Giải thưởng thường niên lần thứ 50 của Hiệp hội Phê bình Phim Mỹ (NSFC). Đơn giản bởi vì Spotlight đã đứng về phía sự thật mà người đọc có quyền được biết.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông Tin Kinh Doanh